Tài chính phi tập trung (DeFi)

Toàn cảnh cuộc khủng hoảng của quỹ Three Arrows Capital (3AC)

Avatar photo
Ngoan

16 Tháng Tám 2022

Sự sụp đổ của Three Arrows Capital (3AC) đã “thổi bay” hàng trăm tỷ USD các loại tài sản tiền điện tử, kích hoạt một cuộc khủng hoảng thanh khoản trên toàn thị trường tiền mã hóa và đẩy nhiều nền tảng cho vay DeFi đến bờ vực phá sản. Vậy chuyện gì đã xảy ra với 3AC? Sự kiện này gây ảnh hưởng như thế nào đến thị trường tiền điện tử và tâm lý nhà đầu tư? Ai đã đứng ra giải quyết sự việc này? Hãy cùng bePAY tìm hiểu tất tần tật về cuộc khủng hoảng 3AC qua bài viết dưới đây.

Đôi nét về Three Arrows Capital (3AC)

Three Arrows Capital (3AC) là một quỹ đầu tư mạo hiểm Crypto được thành lập bởi Su Zhu và Kyle Davies vào năm 2012 tại Singapore. Ban đầu, 3AC chỉ thực hiện những giao dịch với tiền tệ truyền thống. Đến năm 2017, 3AC nhận ra tiềm năng của thị trường tiền điện tử nên đã quyết định chuyển đổi sang mô hình đầu tư phát triển Crypto.

3AC thường tập trung vào thị trường phái sinh của BTC và ETH, đồng thời quỹ này còn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tiền mã hóa. Nhờ đó mà 3AC đã nhanh chóng mở rộng quy mô tài sản lên đến 100 tỷ USD. Điều đáng chú ý là 3AC chưa bao giờ phải nhận tiền từ bên thứ ba. Điều này có thể cho thấy khả năng tài chính bền vững của quỹ đầu tư mạo hiểm này, vì vậy 3AC dễ dàng thu hút nguồn vốn của nhiều nhà đầu tư.

doi-net-ve-3ac
3AC từng là một quỹ đầu tư vô cùng mạnh

Trên website của Three Arrows Capital thể hiện “quy mô khủng” khi đầu tư vào hàng loạt dự án Blockchain lớn như Avalanche, Solana, Near, Terra,… Đặc biệt, quỹ này còn đầu tư mạnh vào các nền tảng cho vay DeFi như BlockFi, Fireblocks,… Bên cạnh đó, 3AC cũng đầu tư vào lĩnh vực game và NFT, bao gồm cả tựa game P2E đình đám Axie Infinity.

Hai nhà sáng lập Su Zhu và Kyle Davies của 3AC còn hoạt động rất tích cực trên Twitter. Do đó, có nhiều ý kiến cho rằng hai nhà sáng lập này đã sử dụng Twitter nhằm mục đích thao túng thị trường. Cụ thể vào năm ngoái, Zhu đã tuyên bố sẽ từ bỏ Ethereum vì Ethereum đã từ bỏ cộng đồng, nhằm kích thích người dùng từ bỏ Ethereum. Tuy nhiên sau đó một tháng, nền tảng phân tích dữ liệu Blockchain Nansen tiết lộ 3AC đã thực hiện lệnh mua 15.000 ETH.

>> Xem thêm: FXT là gì? Thực hư dự án FXT lừa đảo nhà đầu tư

Quá trình dẫn đến sự sụp đổ của 3AC

Mọi việc bắt đầu từ sự sụp đổ của Stablecoin TerraUSD (UST) và Terra LUNA vào hồi tháng 5/2022. Trước khi xảy ra thảm họa này, LUNA đã lọt Top 10 đồng tiền điện tử có vốn hóa lớn nhất thị trường và nhận được sự tin tưởng của hàng triệu nhà đầu tư. Do đó, 3AC đã không ngần ngại chi 559,6 triệu USD để mua 10,9 triệu đồng token LUNA. 

Thật không may, việc Stablecoin UST lao dốc không phanh đã khiến đồng LUNA cũng theo đó mà mất gần như 100% giá trị. Việc này dẫn đến số tiền đầu tư gần 600 triệu USD của 3AC vào LUNA hiện chỉ còn vỏn vẹn 670 USD. 

Sau khi mất khoản đầu tư gần 600 triệu USD, quỹ 3AC đã sử dụng số vốn được ủy thác của nhiều bên để vay và thực hiện chiến lược đòn bẩy. Đầu tiên, quỹ 3AC lựa chọn đầu tư vào Grayscale Bitcoin Trust (GBTC). Nhận thấy GBTC là khoản đầu tư tiềm năng, 3AC nhanh chóng trở thành một trong những công ty nắm giữ lượng GBTC lớn nhất thị trường.

Sau sự sụp đổ của LUNA, thị trường gấu kéo dài và việc SEC từ chối Bitcoin ETF của Grayscale đã khiến giá đồng coin GBTC của Grayscale giảm mạnh. Hơn thế nữa, mức chiết khấu GBTC vào thời điểm đó cũng đạt mức thấp nhất mọi thời đại, đỉnh điểm là mức âm 32,6% vào ngày 18/05/2022.

gbtc-giam-manh
GBTC giảm mạnh

Khi giá trị của đồng GBTC lao dốc, 3AC buộc phải thanh lý toàn bộ số lượng GBTC. Vào ngày 17/06/2022, trang tin Bloomberg chia sẻ rằng 3AC không còn nắm giữ bất kỳ một đồng GBTC nào nữa.

Sau vụ đầu tư GBTC không thành công, quỹ này tiếp tục dùng tiền để đầu tư vào stETH với hy vọng stETH sẽ nhanh chóng gia tăng lợi nhuận. stETH là token đại diện cho số lượng ETH được Staking trên Lido Finance với tỷ giá giữa stETH với ETH là 1:1. 

Khi stETH rơi thẳng về mức 0,97 USD, điều không ngờ chính là một quỹ đầu tư lớn khác là Alameda Research đã swap một lượng lớn stETH về ETH. Mặc dù hai lần swap đúng lúc stETH trượt giá đã khiến Alameda bị lỗ hơn 933 ETH (tương đương khoảng 1,6 triệu USD) nhưng điều này nhằm bảo vệ khoản đầu tư còn lại của họ.

Vì Alameda là một trong 7 quỹ đầu tư lớn nhất vào Lido Finance, do đó, hành động này đã khiến các quỹ đầu tư khác cũng tìm cách tháo chạy, khiến stETH bị giảm giá nghiêm trọng.

steth-giam-manh
stETH giảm phi mã

Sau khi các sự việc trên diễn ra, nhà sáng lập Su Zhu của 3AC còn đăng tweet trấn an cộng đồng và nói rằng stETH sẽ tăng giá. Tuy nhiên, chỉ sau đó 2 ngày, 3AC đã phải bán tháo 30.000 stETH. Tính đến thời điểm này, công ty đã bán hết khoảng 75.600 stETH, nhanh chóng thoát khỏi vị thế của mình trên AAVE.

Đồng thời, 3AC cũng bán luôn bộ sưu tập NFT StarryNight hàng hiếm trị giá 21 triệu USD. Theo trang tin The Block, 3AC đã thua lỗ hơn 400 triệu USD và đứng trên bờ vực phá sản.

Tin đồn 3AC gặp rắc rối tài chính lan rộng

Trong bài đăng mới nhất trên Twitter vào ngày 15/06/2022, CEO Su Zhu tuyên bố sẽ làm việc với các bên liên quan để nhanh chóng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên khi quan sát dữ liệu trên chuỗi và hành động của 3AC tại thời điểm đó, tất cả đều dấy lên sự nghi ngờ về việc 3AC đã mất thanh khoản.

Sau đó không lâu, cộng đồng đã nhanh chóng nhận ra hành vi bất thường của cả hai nhà sáng lập 3AC. Đầu tiên, Kyle và Zhu đã không còn đăng bất kỳ tweet nào trong nhiều ngày, mặc dù trước đó họ hoạt động rất tích cực trên Twitter và liên tục trấn an người dùng. Thậm chí, Zhu còn xóa tài khoản Instagram của anh. Bên cạnh đó, những công ty nhận tiền đầu tư từ 3AC đã cố gắng liên lạc với hai nhà sáng lập kể từ ngày 10/06/2022 nhưng đều thất bại.

Trước tình hình đó, 3AC đã thông báo rằng họ đang xem xét bán bớt tài sản để trả nợ hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ những công ty khác. Ngoài ra, 3AC cũng dự định thuê cố vấn pháp lý và tài chính để giúp họ tìm hướng giải quyết.

3ac-gap-rac-roi-tai-chinh
Tin đồn 3AC gặp rắc rối tài chính lan rộng

Thị trường bị ảnh hưởng như thế nào sau sự sụp đổ của 3AC?

Sự sụp đổ kinh hoàng của LUNA đã dẫn đến “cú ngã quỵ đột ngột” của Celsius Network và Three Arrows Capital. Sự việc của 3AC đã kích hoạt một cơn khủng hoảng thanh khoản trên thị trường. 3AC đã vay tiền từ tất cả các nền tảng DeFi lớn nhất trong ngành, khiến những “chủ nợ” này cũng lâm vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản. Một số trong đó đã phải thông báo ngừng hoặc hạn chế rút tiền như: Finblox, Babel Finance, Voyager, Bancor, Coinflex, Vauld, CoinLoan,…

Hiệu ứng Snowball của 3AC đã khiến cho hàng loạt người dùng mất hàng triệu USD. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng sợ hãi và quyết định rời bỏ thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, sàn giao dịch FTX được mệnh danh là hiệp sĩ mũ trắng khi đưa ra những biện pháp tối ưu nhằm hỗ trợ các công ty gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản, đồng thời giúp kéo lại thị trường.

Cụ thể, FTX đã cho Voyager Digital vay 200 triệu USD và BlockFi vay 250 triệu USD dưới dạng tiền mặt, Stablecoin và Bitcoin. CEO của sàn giao dịch FTX đã chia sẻ rằng mục đích của “gói cứu trợ” này là nhằm bảo vệ tài sản của khách hàng cũng như lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Vì việc có được niềm tin từ nhà đầu tư là điều cực kỳ quan trọng, một khi đã đánh mất thì sẽ rất khó lấy lại.

ftx-giup-do-trong-vu-3ac
CEO Sam Bankman Fried của sàn FTX đã đứng ra giúp đỡ

Tình hình hiện tại của 3AC như thế nào?

Với tình hình hiện tại của 3AC, nếu công ty nào có ý định mua lại thì sẽ phải “gánh tất cả khoản nợ” của quỹ này. Do đó, khả năng 3AC được mua lại gần như là không thể. Hơn nữa, mùa đồng tiền điện tử khắc nghiệt đang diễn ra với sự sụt giảm nghiêm trọng về giá trị của các đồng coin, 3AC càng khó có thể tự mình bù đắp lại khoản tiền đã mất.

Vì vậy, 3AC đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 15 của Luật Phá Sản. Thậm chí, hai nhà sáng lập đã bỏ trốn khỏi Singapore và mua sắm du thuyền tỷ đô để hưởng thụ cuộc sống.

>> Xem thêm: Eagle Rock Global (ERG) là gì? ERG coin có lừa đảo hay không?

Bài học rút ra

Sự sụp đổ của 3AC xảy ra chỉ trong vòng 1 tháng kể từ thảm họa LUNA và cùng thời điểm với vụ bê bối từ Celsius. Điều này đã khiến cơ quan quản lý vào cuộc nhằm đưa ra những quy định bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, buộc các nền tảng tiền mã hóa phải có trách nhiệm bồi thường cho nhà đầu tư khi có sự cố xảy ra.

Hy vọng sau vụ khủng hoảng lần này, các nhà đầu tư sẽ yêu cầu những quỹ tương tự như 3AC phải minh bạch trong hoạt động sử dụng vốn: quỹ đầu tư vào sản phẩm và dự án nào, quỹ sử dụng tiền của nhà đầu tư theo tỷ lệ như thế nào,…

Thảm hoạ của 3AC đã mang tới cho chúng ta một bài học: Ngay cả những “tay chơi lớn nhất thị trường” với vốn hoá tỷ USD như LUNA, Celsius và 3AC cũng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Mặt khác, những người đứng đầu tổ chức cũng có thể đưa ra những quyết định sai lầm, dẫn đến sự thất bại cho dự án và khiến người dùng mất tiền. 

bai-hoc-tu-3ac
Bài học kinh nghiệm

Vì vậy, các nhà đầu tư cần nghiên cứu thật kỹ mỗi dự án trước khi ra quyết định đầu tư. Đặc biệt phải thật cẩn trọng khi giao dịch đòn bẩy. Và quan trọng hơn hết là không ngừng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cũng như biết cách quản trị rủi ro và dòng vốn khi tham gia đầu tư tiền điện tử.

Trên đây bePAY đã cung cấp toàn bộ thông tin liên quan tới vụ việc của 3AC cũng như đưa ra một số đánh giá về cuộc khủng hoảng này. Hy vọng bạn đã có một cái nhìn tổng quan về sự sụp đổ của 3AC và tự rút ra cho mình bài học đáng giá khi đầu tư Crypto nhé.

Xem thêm các kênh thông tin của bePAY:

Facebook Twitter Youtube