Tin tức

Gavin Wood rời chức CEO Polkadot, Bitcoin (BTC) ít biến động hơn cả chỉ số chứng khoán Mỹ, Moola Market bị hack 8,4 triệu USD

Ngoan

22 Tháng Mười 2022

Gavin Wood – một trong những người có vai trò quan trọng nhất trong lịch sử phát triển của Polkadot sẽ rời ghế CEO. Bitcoin (BTC) đang trở thành một tài sản “ổn định” hơn so với chứng khoán Mỹ trong bối cảnh thị trường ảm đạm. Cùng bePAY điểm lại những tin tức nổi bật nhất trong tuần (16/10/2022 – 22/10/2022) qua bài viết dưới đây nhé.

Gavin Wood rời chức CEO Polkadot

Theo thông tin từ Bloomberg, Gavin Wood – một trong những lập trình viên quan trọng nhất trong lịch sử phát triển của blockchain Polkadot sẽ rời chức CEO của Parity, đơn vị phát triển Polkadot trong ngày 21/10/2022.

Nhà sáng lập Polkadot cho biết: “Chức vụ CEO chưa bao giờ là ước nguyện của tôi (ngay cả trước khi tổ chức Parity ra đời). Tôi có thể đã đảm nhiệm chức vụ CEO trong ngắn hạn. Tuy nhiên, điều này không thể đem lại sự hạnh phúc sâu thẳm bên trong tôi.”

twitter-gavin-wood
Gavin Wood đăng Twitter thông báo CEO mới

Mặc dù vậy, ông Wood vẫn sẽ tiếp tục đồng hành với tổ chức Parity Technologies với tư cách là Giám đốc Kỹ thuật. Sau ngày 21/10/2022, người sẽ đảm nhiệm vai trò CEO Polkadot là đồng sáng lập Bjorn Wagner.

Từ lâu, Gavin Wood không chỉ được cộng đồng blockchain tôn trọng vì những đóng góp cho mạng Polkadot, ông còn là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho Ethereum và đặc biệt là ngôn ngữ lập trình Solidity. Giá đồng coin DOT tại thời điểm cập nhật không có nhiều biến động trước thông tin từ chức trên, chủ yếu vẫn bị chi phối bởi đà lên xuống chung của thị trường Crypto.

thanh-tuu-gavin-wood
Những thành tựu của Gavin Wood

>> Xem thêm: Polkastarter là gì? Cách tham gia IDO trên Polkastarter tối ưu nhất cho nhà đầu tư (2022)

Bitcoin (BTC) gần đây còn ít biến động hơn cả chỉ số chứng khoán Mỹ

Theo đơn vị phân tích dữ liệu tiền điện tử Kaiko, mức biến động trung bình trong 20 ngày qua của Bitcoin (BTC) hiện đã giảm xuống mức thấp hơn cả biến động của Nasdaq và S&P500 – 2 chỉ số chứng khoán hàng đầu của Mỹ. Điều nghịch lý này xảy ra lần đầu tiên kể từ năm 2020, thời điểm thị trường tiền mã hóa đã trải qua cú sập vì COVID-19 và sau đó tăng mạnh trong chu kỳ uptrend từ cuối 2020 đến đầu 2022.

Mặc dù vậy, trước khoảng thời gian 20 ngày qua, biến động của cả Bitcoin lẫn chứng khoán Mỹ đều lần lượt lập đỉnh sau quãng thời gian chịu tác động từ các thông tin vĩ mô, cụ thể là mức độ lạm phát của Mỹ liên tục ở mức cao, bắt buộc Fed phải nâng lãi suất để kìm hãm.

Giám đốc Nghiên cứu của Kaiko cho biết thêm, mức biến động của Bitcoin đã suy giảm rõ rệt kể từ tháng 07/2022, thời điểm thị trường tiền điện tử vừa trải qua cú sập LUNA-UST và những cuộc “khủng hoảng thanh khoản” lớn của các tổ chức liên tiếp xảy ra.

Mặc dù vậy, khối lượng giao dịch tiền ảo trên thị trường vẫn ổn định mặc cho biến động thấp. Điều này cho thấy một lượng lớn nhà đầu tư vẫn kiên trì ở lại với lĩnh vực Crypto.

Ở chiều ngược lại, chứng khoán Mỹ lại ghi nhận mức biến động dữ dội vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó là các lý do như lãi suất tăng, lạm phát vẫn ở mức cao, đồng đô la Mỹ phục hồi, khủng hoảng năng lượng EU và xung đột Nga – Ukraine.

bitcoin-vs-nasdaq
So sánh biến động 20 ngày gần nhất của Bitcoin, Nasdaq và S&P500

Moola Market bị hack 8,4 triệu USD

Giao thức cho vay tài chính phi tập trung dựa trên mạng lưới blockchain Celo Moola Market đã tạm dừng hoạt động sau khi bị hacker bòn rút 8,4 triệu USD.

Theo The Block Research, kẻ tấn công đã sử dụng 243.000 đồng CELO coin có nguồn gốc từ Binance và sử dụng 60.000 đồng CELO coin để vay 1,8 triệu MOO làm tài sản thế chấp. Với số CELO coin còn lại, hắn ta đã thổi giá MOO và sử dụng MOO làm tài sản thế chấp để vay nhiều token khác trên một loạt các giao thức DeFi khác.

Theo thống kê, hacker đã thu về 8,8 triệu CELO (6,5 triệu USD), 1,8 triệu MOO (600.000 USD), 765.000 cEUR (700.000 USD) và 644.000 cUSD (600.000 USD).

Sau sự cố này, Moola Market đang dồn lực điều tra vụ việc và tạm dừng mọi hoạt động trên nền tảng. Trong thời gian chờ đợi, nền tảng Moola khuyên người dùng không nên giao dịch mTokens.

Moola Market đã ra thông báo: “Đối với kẻ tấn công và cướp đi 8,4 triệu USD, chúng tôi đã liên hệ với cơ quan thực thi pháp luật và việc thanh lý tiền của kẻ xấu sẽ bị chúng tôi ngăn chặn. Chúng tôi sẵn sàng cho hacker phần thưởng Bounty để lấy lại tiền trong vòng 24 giờ tới”.

moola-bi-hack
Moola Market bị hack 8,4 triệu USD

Vài giờ sau sự cố bảo mật, hacker đã chấp nhận trả lại 93,1% tổng số tiền đã đánh cắp (7,8 triệu USD) vào ví Moola. Kẻ tấn công đã giữ lại khoảng 700.000 CELO (gần 518.000 USD) như một phần thưởng Bounty mà dự án đã thỏa thuận trước đó.

Tháng 10/2022 hiện đang dẫn đầu về số tiền mã hóa bị đánh cắp, theo số liệu từ Chainalysis. Đã có tổng cộng 11 vụ tấn công do hacker gây ra, tổng thiệt hại lên đến 718 triệu USD trong tháng 10 “trọng điểm” này (số liệu chỉ tính đến ngày 12/10).

>> Xem thêm: Những vụ hack Solana gây chấn động giới đầu tư Crypto (2022)

Dự án NFT Azuki nổi tiếng ra mắt sản phẩm liên kết giữa blockchain và thế giới thực

Dự án NFT nổi tiếng Azuki đã phát hành sản phẩm mới: PBT (Physical Backed Token) nhằm tạo ra sự kết nối giữa blockchain và thế giới thực.

PBT là token Ethereum mới tuân theo tiêu chuẩn ERC-721, nó giúp liên kết một thực thể vật lý đại diện cho token trên mạng Ethereum. PBT sẽ sử dụng BEAN – chip mật mã gắn một vật thể xác định với PBT để xác minh tính xác thực và chứng minh quyền sở hữu của người dùng. Nó có thể tạo ra các cặp khóa bất đối xứng, mang tính xác thực phi tập trung và theo dõi quyền sở hữu các vật phẩm ngoài đời thật.

Mã hóa bất đối xứng (hay còn được gọi là công nghệ mã hóa public-key) là loại hình mã hóa ra đời sau mã hóa đối xứng. Giải pháp này an toàn hơn mã hóa đối xứng vì sử dụng 2 khoá riêng biệt cho 2 quy trình mã hóa và giải mã.

Theo giới thiệu của đội ngũ NFT Azuki, token đại diện cho các vật phẩm vật lý đã tồn tại sẽ được tách ra sau khi được đúc (mint). Bên cạnh đó, PBT còn có tính năng xác thực phi tập trung, theo dõi quyền sở hữu của các vật phẩm ngoài đời thật, hoạt động hoàn toàn trên blockchain và không sử dụng máy chủ tập trung.

Nếu vật phẩm vật lý được bán hoặc tặng cho chủ sở hữu mới thì người chủ sở hữu tiếp theo đó có thể sử dụng tính năng “scan-to-own” (quét để sở hữu), cho phép chuyển PBT từ chủ sở hữu trước sang chủ sở hữu mới cực nhanh chóng.

nft-azuki
Dự án NFT Azuki nổi tiếng ra mắt Physical Backed Token

Cuối cùng, PBT có mã nguồn mở hoàn toàn và hiện đã có sẵn cho cộng đồng tự do xây dựng. Ngoài ra, dự án còn được cấp Giấy phép MIT – một loại giấy phép sử dụng cho các phần mềm mã nguồn mở bởi Viện Công nghệ Massachusetts.

Ngay khi trình làng cho cộng đồng về PBT, dự án Azuki đã lập tức cho ra mắt một bộ sưu tập cụ thể ngay sau đó, gắn liền với sản phẩm PBT vừa được ra mắt. Đó chính là bộ sưu tập “Golden Skateboard”, phiên bản giới hạn gồm 9 chiếc ván trượt, được thiết kế độc đáo, mạ vàng 24K hoàn toàn. Golden Skateboard được kết nối với chip BEAN và đã chính thức mở bán từ ngày 21/10/2022 trên trang chủ đấu giá Azuki.

Nhìn chung, đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của team dự án Azuki trong bối cảnh thị trường NFT vẫn chịu chung số phận với đợt suy thoái nghiêm trọng của tiền điện tử. Giá sàn NFT Azuki cũng giảm mạnh theo xu hướng giảm chung của thị trường, thậm chí còn khá nghiêm trọng hơn khi nhà sáng lập Azuki thú nhận đã từng “bỏ rơi” 3 dự án khác. Dù vậy, với vị thế là một trong số ít những dự án NFT “blue chip”, Chiru Labs – công ty đứng sau Azuki vẫn gọi vốn thành công 30.000.000 USD để tiếp tục mở rộng phát triển.

Trên đây là những thông tin HOT nhất tuần qua (16/10/2022 – 22/10/2022) mà bePAY đã gửi đến bạn. Trong thời gian tới, bePAY sẽ liên tục cập nhật đến bạn đọc các tin tức quan trọng nhất trong ngành công nghiệp Crypto. Cùng chờ đón nhé!

Xem thêm các kênh thông tin của bePAY:

Facebook Twitter Youtube