Kiến thức

Mô hình Ponzi là gì? 6 dấu hiệu nhận biết dự án Ponzi hiện nay

Binh

03 Tháng Sáu 2022

Các dự án ma, dự án lừa đảo theo mô hình Ponzi luôn là nỗi ám ảnh đối với mọi nhà đầu tư. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể xác định được sự minh bạch và mức độ uy tín của một dự án bất kỳ. Với mong muốn hỗ trợ nhà đầu tư nhận biết được những dự án vận hành theo hình thức Ponzi cũng như tránh rơi vào tình trạng bị scam, bePAY xin chia sẻ bài viết dưới đây. 

Mô hình Ponzi là gì?

Ponzi là thuật ngữ nói về hình thức huy động vốn đầu tư từ người này để trả lợi nhuận và lãi suất cho người khác. Theo đó, bên huy động cũng là chủ các dự án, sản phẩm sẽ đưa ra một phương án đầu tư lý tưởng cùng những cam kết về mức lãi suất siêu hấp dẫn. Bên cấp vốn, thường là các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm sẽ bơm tiền vào hệ thống với mong muốn kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ. Đồng thời, họ cũng cần giới thiệu thêm nhiều người tham gia mạng lưới để gia tăng khoản tiền thu về. 

Như vậy, khi không thể kêu gọi được nhà đầu tư mới, người tham gia trước không được trả lãi khiến hệ thống phình to và sớm sụp đổ. Hệ lụy là tất cả những ai từng rót tiền vào dự án sẽ chịu những tổn thất vô cùng nặng nề, cả về tiền của lẫn tinh thần. 

mo-hinh-ponzi-la-gi

Mô hình Ponzi là gì?

Để nắm rõ hơn cách thức hoạt động của mô hình Ponzi, chúng ta cùng xem xét đặc điểm của 3 đối tượng tham gia, gồm Schemer, Investor và Ponzi Introducing Investor.

  • Schemer: Là những kẻ chủ mưu lập nên chiến lược lừa đảo qua Ponzi hay cũng chính là chủ quản của dự án. Họ thường sở hữu tài giao tiếp, sự thông minh và xây dựng cho mình hình ảnh doanh nhân thành đạt, sở hữu background siêu khủng nhằm dễ dàng chiếm trọn niềm tin của nhà đầu tư.
  • Ponzi Introducing Investor: Đây là nhóm người bỏ rất ít tiền vào mạng lưới, thường là các nhà đầu tư đầu tiên. Bù lại, họ tích cực chào mời mọi người gia nhập để có thêm lãi suất và hoa hồng giới thiệu. 
  • Investor: Các nhà đầu tư là những người có khoản tiền nhàn rỗi và mong muốn gia tăng số tiền của mình thông qua việc bơm vốn vào dự án. Khi mạng lưới đi vào hoạt động, các nhà đầu tư cũng trở thành những người giới thiệu dự án. Tuy nhiên, nếu Ponzi sụp đổ, lớp nhà đầu tư mới sẽ là nhóm chịu thiệt hại nặng nhất. 

Theo đó, Ponzi có thể hiện hữu trong bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào, từ các sản phẩm công nghệ, dịch vụ tài chính đến những dự án bất động sản hay Crypto. Thực tế, tính xét riêng trong thị trường tài sản mã hóa, đã có hàng trăm vụ việc nhà đầu tư toàn cầu bị chiếm đoạt tài sản từ các mô hình đa cấp Ponzi.

>> Xem thêm: SFP coin là gì? 6 bước tạo ví Safepal đơn giản

Lịch sử hình thành của Ponzi

Thuật ngữ Ponzi được bắt nguồn từ tên của người đầu tiên đã sử dụng mô hình này, gây ra vụ lừa thế kỷ khiến 6 ngân hàng phá sản và 15 triệu USD tiền vốn của hàng trăm nhà đầu tư tiêu tán. Đó là Charles Ponzi. 

Charles Ponzi hay Carlo Ponzi, sinh 03/03/1882 tại Italia, từng là một công nhân bưu điện ở địa phương nhưng đã bỏ ngang công việc và theo học trường Đại học Roma La Sapienza. Do gánh nặng học phí và thú ăn chơi, chi tiêu hoang phí nên sau đó, ông quyết định nghỉ học giữa chừng.

lich-su-hinh-thanh-cua-ponzi

Charles Ponzi – “Cha đẻ” của mô hình Ponzi

Năm 1903, Ponzi đến Mỹ với giấc mơ làm giàu. Để có tiền trang trải cuộc sống mới, ông phải làm nhiều nghề khác nhau. Năm 1907, sau khi bị đuổi việc vì thường có hành vi thối tiền thiếu cho khách, ông làm việc tại Banco Zorossi – một ngân hàng mới khai trương tại Montreal (Canada) và do Luigi Zorossi làm chủ.

Ponzi nhận ra Banco Zorossi phát triển nhanh chóng nhờ hình thức trả lãi suất huy động vốn cao, lên đến 6% (gấp 3 lần các ngân hàng khác). Trong khi đó, khách hàng đi vay chỉ rót vốn vào bất động sản và các khoản vay không có khả năng đáo hạn đúng hợp đồng. Vì thế, ngân hàng này sẽ sớm vỡ nợ. Sau khi nhận định của Ponzi thành sự thật, ông từng phải ngồi tù nhiều năm do giả chữ ký của Luigi Zorossi để lừa đảo và nhập cư trái phép. 

Năm 1919, khi đã hết hạn tù, Ponzi xin làm cho một công ty bưu chính viễn thông và nhận thấy cơ hội kinh doanh có 1 không 2. Thấy giá bán tem IRC ở Mỹ cao gấp 6 lần tại các quốc gia khác, ông đã liên hệ với các đại lý trên thế giới để thu mua và nhập trái phép IRC vào đất Mỹ để bán.

Chưa dừng lại, ông còn kêu gọi vốn để thành lập công ty và kinh doanh loại tem này. Song, thay vì sử dụng tiền của nhà đầu tư để mua tem IRC thì Ponzi đã lấy tiền người sau để trả cho người trước. Đã có thời điểm, tổng số vốn mà dự án huy động được đã chạm mốc 15 triệu USD (khoảng 1 tỷ USD ở thời điểm hiện tại). 

Tháng 8/1920, sau khi nhiều chuyên gia kinh tế nhận thấy điểm bất thường và đưa ra những chứng cứ xác thực, Charles Ponzi bị bắt với cáo buộc của 86 tội danh liên quan đến hoạt động lừa đảo. Đồng thời, đặt nền móng cho cái tên mô hình đa cấp Ponzi hay mô hình Ponzi.

Ponzi và bán hàng đa cấp chân chính

Hiện nay, Ponzi thường được gắn với mô hình đa cấp. Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ, giữa Ponzi và đa cấp chân chính (Multi Level Marketing) – phương thức kinh doanh được thế giới công nhận tính hợp pháp, hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:

  • Về sản phẩm/dịch vụ/dự án: Nếu như Ponzi không có sản phẩm/dịch vụ/dự án thật hoặc có nhưng kém chất lượng thì Multi Level Marketing lại sở hữu những sản phẩm/dịch vụ/dự án hữu hình, được kiểm chứng về chất lượng. 
  • Giá bán sản phẩm/dịch vụ/dự án: Ponzi thường đưa ra mức giá cao. Trong khi đó, Multi Level Marketing đưa ra mức giá tương xứng với giá trị của sản phẩm. 
  • Cơ sở lợi nhuận: Với mô hình Ponzi, tiền người sau trả cho người trước và cam kết mức lãi khủng; với đa cấp chân chính, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thực tế (có thể thua lỗ).

mo-hinh-ponzi-va-da-cap-chan-chinh

Ponzi và bán hàng đa cấp chân chính

  • Điều kiện tham gia: Ponzi bắt buộc nhà đầu tư mua gói sản phẩm để tham gia. Đa cấp chân chính không yêu cầu phí tham gia hoặc phí rất thấp.
  • Tính hợp pháp: Mô hình lừa đảo Ponzi là bất hợp pháp. Mô hình đa cấp chân chính là hợp pháp, có hành lang pháp lý cụ thể (ở Việt Nam được quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018).

Một điểm khác cần lưu ý, nếu so sánh riêng mô hình đa cấp Ponzi với đa cấp biến tướng (kim tự tháp) thì hai hình thức kinh doanh này lại tương đồng nhau. Chúng đều lợi dụng sự nhẹ dạ và ham muốn làm giàu của nhiều người để kêu gọi vốn cho những sản phẩm, dịch vụ “ma”, sử dụng cách thức lãi trả lãi và chiếm đoạt tiền đầu tư của những ai tham gia hệ thống. 

Dấu hiệu nhận biết dự án Crypto theo mô hình Ponzi

Nếu bạn đang muốn biết dấu hiệu của một dự án Crypto theo mô hình Ponzi là gì, chắc chắn không nên bỏ qua những đặc điểm sau: 

Cam kết về mức lợi nhuận siêu hấp dẫn

Nếu một dự án đưa ra mức lợi nhuận vài trăm phần trăm trên một năm thì đa phần chúng thuộc mô hình Ponzi lừa đảo. Lý do là bởi, ngay cả những quỹ đầu tư hàng đầu thế giới cũng không dám khẳng định mức lợi nhuận quá 50%/năm. Việc đưa ra những con số siêu hấp dẫn, đơn giản chỉ là chiêu bài thu hút những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm và mong muốn làm giàu nhanh chóng. 

Không có sản phẩm/dịch vụ hữu hình

Rõ ràng, muốn buôn bán hay kinh doanh thì cần sở hữu sản phẩm, dịch vụ thực tế. Càng quan trọng hơn, chúng cần cho thấy giá trị thực tiễn, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường cũng như có tiềm năng phát triển. Sản phẩm, dịch vụ phải tốt thì mô hình kinh doanh mới đủ sức thâm nhập thị trường và thu hút khách hàng.

dau-hieu-nhan-biet-du-an-crypto-theo-ponzi

Mô hình Ponzi không có sản phẩm/dịch vụ hữu hình

Giá sản phẩm, dịch vụ hoặc đồng coin dự án tăng theo cấp độ nhà đầu tư

Tất nhiên, mỗi công ty hay dự án sẽ công bố mức giá niêm yết khác nhau nhưng một sản phẩm, một đồng coin không thể x2, x3 giá qua mỗi lần mua mới dù cùng khoảng thời gian. Đây là biểu hiện rõ ràng của mô hình lừa đảo Ponzi. 

Bắt người mới tham gia phải mua gói đầu tư

Không xét đến các phí dịch vụ có thể phát sinh, nếu một dự án Crypto bắt buộc người mới phải mua gói đầu tư mới được tham gia, 99% đây là dự án hoạt động theo Ponzi. Đặc biệt, các gói này có đi kèm những chính sách chiết khấu hoa hồng khi giới thiệu thêm thành viên gia nhập mạng lưới, chúng ta càng nên tránh xa. 

mo-hinh-ponzi-bat-nguoi-moi-phai-mua-goi-dau-tu

Mô hình Ponzi bắt người mới tham gia phải mua gói đầu tư

Khó hoặc không thể rút tiền ra hệ thống

Thủ tục rút tiền phức tạp, thời gian rút bị trì hoãn, yêu cầu quy đổi sang các loại tiền mã hoá “vô danh”,… Tất cả đều là dấu hiệu của một dự án Crypto scam, lừa đảo và không ngoài khả năng thuộc Ponzi. 

Tên dự án tương tự những mô hình nổi tiếng

Hiện tại, không ít những mô hình và dự án Crypto được đánh giá khá thành công. Điều này đang được một số Schemer lợi dụng để đặt cho mô hình Ponzi của mình những cái tên tương tự, dễ khiến nhà đầu tư nhầm lẫn. Ví dụ sàn MT6 rất có khả năng ăn theo tên phần mềm giao dịch MT4, MT5 (Metal Trader) – vốn nổi tiếng trong cộng đồng trader toàn cầu. 

>> Xem thêm: SYScoin là gì? Từ A tới Z về SYScoin 2022

Những dự án Ponzi nổi tiếng

Bitconnect

Sàn Bitconnect ra mắt tháng 11 năm 2016, được giới thiệu là nền tảng Blockchain hàng đầu trong hoạt động cho vay tài chính (Lending), cam kết trả lãi 1%/ngày. Năm 2017, Bitcoinnect đã giúp gia tăng tài sản của nhà đầu tư lên 3000 lần khi đồng coin của sàn có giá bán 0,12 USD tại thời điểm niêm yết đã chạm ngưỡng 400 USD/coin. 

17/01/2018, Bitcoinnect thông báo ngừng hoạt động. Các cuộc điều tra chỉ ra, không có công nghệ Blockchain nào phía sau nền tảng này. Hệ quả cuối cùng, ước tính trên dưới 3 tỷ USD tiền đầu tư đã bị scam. Đây được xem là một trong những mô hình Ponzi quy mô nhất lịch sử.

mo-hinh-ponzi-cua-bitconnect

Mô hình Ponzi của Bitconnect

Hextracoin

Tương tự Bitconnect, Hextracoin cũng là sàn Blockchain hoạt động trong mảng Lending với mức lãi cam kết lên tới 48%/tháng. Tuy nhiên, cái tên này cũng tuyên bố “giải thể” cùng thời điểm Bitconnect dừng hoạt động, khiến hàng trăm nhà đầu tư bị lừa đảo với tổng số tiền hơn 1 tỷ USD.

Liên kết Việt

Vụ việc lừa đảo của Liên kết Việt trong vòng 2 năm (2014 và 2015) đã khiến hơn 68.000 người tham gia mạng lưới rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Tổng số tiền bị scam là hơn 1 nghìn tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, vụ án hoàn tất xét xử, ông Lê Xuân Giang – chủ tịch công ty Liên kết Việt lĩnh án tù chung thân vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người khác qua mô hình Ponzi.

mo-hinh-ponzi-cua-lien-ket-viet

Mô hình Ponzi của Liên kết Việt

Tổng kết, mô hình Ponzi thực sự là hình thức lừa đảo đáng lên án. Chắc chắn, hình thức này sẽ còn tinh vi và phức tạp hơn trong tương lai. Qua những chia sẻ trên đây, bePAY mong rằng bạn đã có những cái nhìn đầy đủ nhất về Ponzi để tránh rơi vào cảnh bị lừa đảo trong quá trình đầu tư, nhất là trên thị trường Crypto đầy biến động.  

FAQ

Mô hình Ponzi khác đa cấp hợp pháp ở điểm nào?

Khi so sánh, có thể nhận ra một số điểm khác biệt cơ bản giữa Ponzi với đa cấp hợp pháp (Multi Level Marketing), gồm:

  • Ponzi không có sản phẩm, dịch vụ thực sự hoặc có nhưng kém chất lượng; đa cấp hợp pháp thì có sản phẩm, dịch vụ hữu hình.
  • Ponzi thường đưa ra mức giá bán sản phẩm, dịch vụ cao, tăng dần qua từng cấp nhà đầu tư; giá sản phẩm, dịch vụ qua đa cấp chân chính thường ổn định.
  • Ponzi lấy tiền của người sau để trả lãi cho người trước, cam kết lãi siêu hấp dẫn; Multi Level Marketing tạo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thực tế, có thể thua lỗ.
  • Ponzi thường bắt buộc người mới phải mua các gói đầu tư để tham gia hệ thống; Multi Level Marketing không yêu cầu hoặc chỉ cần bỏ phí nhỏ.
  • Ponzi là mô hình kinh doanh bất hợp pháp; đa cấp chân chính là hợp pháp.

Làm sao để nhận biết một dự án Crypto là Ponzi lừa đảo?

Một số dấu hiệu nhận biết dự án Crypto là Ponzi, bao gồm:

  • Dự án cam kết thu về siêu lợi nhuận.
  • Dự án không có sản phẩm, dịch vụ hữu hình hoặc sản phẩm, dịch thiếu giá trị, thiếu tính thực tiễn.
  • Giá sản phẩm, dịch vụ hoặc coin dự án tăng bất thưởng theo lớp nhà đầu tư.
  • Dự án bắt buộc người mới mua gói đầu tư để gia nhập.
  • Nhà đầu tư khó hoặc không thể rút tiền khỏi hệ thống.
  • Tên dự án tương đồng, dễ gây nhầm lẫn với một số dự án thành công trước đó.